thanhnienmoi.com - Tháng nào du khách cũng có thể lên đường vì
mỗi mùa lại có loài hoa riêng nhưng với tháng 3, dường như tự nhiên đã ưu ái
khi cho cả hoa ban, phượng tím, hoa sưa, hoa gạo... cùng khoe sắc.
1.
Hoa Phượng tím
Phượng tím là loài hoa có xuất xứ từ Nam Mỹ,
du nhập vào thành phố Đà Lạt từ những năm 1960. Cây được trồng quanh hồ Xuân
Hương, lối vào chợ Đà Lạt, trong thung lũng Tình yêu, công viên hoa Đà Lạt, Thiền
viện Trúc Lâm, đường Hai Bà Trưng, Trần Phú… Địa điểm được nhiều người “săn
hoa” tìm đến nhất là cây phượng cổ thụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Một trải nghiệm không nên bỏ qua là ngắm
loài hoa này từ các quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, song song đường
Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu đi Đà Lạt dịp cuối tuần, bạn nên đặt trước phòng vì
lượng khách thường tăng cao.
2. Hoa
Sưa
Hoa sưa thường nở thành từng chùm trắng muốt,
nhưng chóng tàn, để lộ lộc non khi những hạt mưa xuân bắt đầu rơi xuống. Cây được
trồng nhiều ở trên đường Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, hồ Giảng Võ, công viên Thống
Nhất... ở Hà Nội.
Một lưu ý cho du khách muốn ngắm hay chụp là
cần canh thời điểm hoa nở đúng độ để có thể chiêm ngưỡng khung cảnh cả cây phủ
trắng như tuyết, vì chỉ cần qua một đêm mưa là hoa tàn hết. Cây sưa được các
nhiếp ảnh gia ưu ái nằm ở ngã 5 gần Lăng Hồ Chủ tịch. Bạn cũng cần chuẩn bị sẵn
ống zoom vì cây lớn, hoa nở rộ trên cao.
3. Hoa
Hướng Dương
Nghệ An, Lâm Đồng… là những nơi nổi tiếng với
cánh đồng hoa hướng dương rộng lớn, trồng thành nhiều đợt trong năm. Tại Nghệ
An, cánh đồng hoa nằm gần đường mòn Hồ Chí Minh, qua huyện Nghĩa Đàn. Từ Vinh,
bạn đi theo quốc lộ 1A, tới ngã ba Yên Lý rẽ trái, lên đường mòn rẽ phải, chạy
thẳng là tới.
Tại Lâm Đồng, từ thành phố Đà Lạt, đi hết đoạn
đường đèo Prenn về hướng Đức Trọng, qua ngã ba Fi Nôm sẽ thấy bên trái có cổng
chào thôn văn hóa Bồng Lai cách quốc lộ 400 m. Bạn chạy thẳng tiếp khoảng 2-3
km nữa sẽ đến cổng Tu Tra, sau đó khoảng 5 km nữa là thấy cánh đồng hoa hướng
dương.
4.
Hoa Ban
Ở Hà Nội, hoa ban được trồng nhiều nhất là
khu vực lăng Chủ tịch và một số tuyến đường như Điện Biên Phủ, Thanh Niên, Trần
Phú,… Hoa ban có nhiều loại nhưng được trồng phổ biến ở thủ đô là những cây cho
hoa tím pha trắng. So với hoa ban vùng núi, ở Hà Nội cây nhỏ và thấp, du khách
dễ dàng chụp và tạo dáng cùng hoa ban.
Nếu có dịp đi xa, bạn nên ghé Mộc Châu, Sơn
La và Điện Biên để chiêm ngưỡng loại hoa này, thường có 2 màu đặc trưng là trắng
và tím. Hoa ban Tây Bắc mọc rải rác trên đường, trong những khu rừng, nhưng chỉ
cần chạy xe dọc quốc lộ 6 là thấy.
5. Hoa
Gạo
Loài hoa này rất quen thuộc với các làng quê
ở đồng bằng Bắc Bộ, thường được trồng ở đầu làng hay giữa cánh đồng. Hình ảnh
hoa gạo cũng khiến du khách ấn tượng khi tới chùa Hương (Hà Nội), khi ngồi thuyền
xuôi dòng suối Yến, hay đi bộ dọc lối vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích.
Tháng 3 là thời điểm thích hợp để đi chùa
Hương vì không quá đông đúc, thời tiết mát mẻ. Từ Hà Nội, bạn đi xe về hướng
ngã ba Ba La (Hà Đông) rồi rẽ trái đi Vân Đình, thêm khoảng 40 km qua Tế Tiêu,
hỏi đường người dân đến chùa Hương. Giá vé thắng cảnh và đò hiện là 130.000 đồng/người,
giá cáp treo khứ hồi 160.000 đồng.
6. Hoa
Cà Phê
Loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên nhanh nở,
nhanh tàn, mỗi đợt chỉ kéo dài vài ngày nên không phải ai cũng có cơ hội được
chiêm ngưỡng. Nhiều nơi trồng cây cà phê, nhưng Pleiku (Gia Lai) và Buôn Ma Thuột
(Đắk Lắk) là thành phố có những rừng hoa cà phê lớn nhất.
Tháng 3 là cao điểm du lịch ở Tây Nguyên vì
thời điểm này thường tổ chức lễ hội đua voi hấp dẫn. Bạn nên đặt phòng và vé
máy bay trước, sau đó đến nơi thuê xe máy để thăm thú xung quanh. Giá phòng
trong thành phố dao động 200.000 – 500.000 đồng/đêm.
7.
Hoa Cải Trắng
Nếu lỡ mùa cải trắng tháng 11, 12, bạn vẫn
có thể tìm đến Mộc Châu vào dịp tháng 3. Tuy diện tích trồng cải không lớn như
trước đó vì bà con đã thu hoạch, nhưng dọc đường quốc lộ 6 qua thị trấn của Sơn
La này, những ruộng cải mọc trên sườn núi vẫn được người dân chăm sóc để phục vụ
du lịch. Phí chụp ảnh là 15.000 đồng mỗi người.
Các bản nổi tiếng với cải trắng như Ba
Phách, rừng thông Bản Áng, hoa cải dịp này không nhiều nên bạn cần cân nhắc.
Hình thức nghỉ nhà sàn, homestay khá phát triển ở Mộc Châu nên bạn không lo thiếu
phòng khi đến (trừ dịp lễ, Tết), giá 150.000 – 400.000 đồng/đêm.
8. Hoa
bưởi
Nếu không chú ý đến ngày tháng, thì chỉ cần
nhìn thấy những chiếc xe đạp bán hoa bưởi trên phố Hà Nội là có thể nhận biết
tháng 3 đã về. Tuy là hàng rong nhưng có thời điểm, những người bán hoa bưởi dừng
xe nhiều trên những tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Hoàng Hoa Thám
và khu vực phố cổ. Hoa đem bán là loại được chủ vườn tỉa bớt, chỉ giữ lại lượng
nhất định để ra quả, giá 20.000 - 30.000 đồng/lạng.
9. Hoa
xoan
Đây cũng là loài hoa đặc trưng ở miền quê Bắc
Bộ với những chùm trắng tím li ti. Trong ký ức của nhiều người, hoa xoan được
trồng nhiều ở đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ (Hà Nội), nhưng nay chỉ có thể
bắt gặp nếu ra ngoại thành. Hoa xoan cũng nhanh nở, chóng tàn nên để chớp được
khoảnh khắc đẹp đòi hỏi các tay máy phải rất kỳ công.
10.
Tam giác mạch
Là loài hoa đặc trưng của tháng 10 ở Hà
Giang nhưng tam giác mạch thời gian này vẫn có thể bắt gặp ở Mộc Châu, Đà Lạt...
Tại Mộc Châu, hoa được người dân trồng nhiều dọc quốc lộ 6, trên đường vào đồi
chè trái tim hay rừng thông Bản Áng để du khách chụp ảnh, phí 10.000 - 15.000 đồng/người.
Ở Đà Lạt, bạn có thể ghé ấp Ánh Sáng gần chợ Đà Lạt để chụp ảnh miễn phí.
Cách tốt nhất để ngắm và chụp ảnh ở những đồi
hoa này là bạn thuê xe máy, dừng lại ở những vườn nở rộ. Lưu ý, tam giác mạch
khi mới nở có màu trắng, dần mới chuyển sang hồng.
Quý khách có thể xem thêm các tour du lịch trong nước tại website www.thanhnienmoi.com
0 nhận xét: